Việt Nam - Thái Lan chênh lệch đẳng cấp từ... đôi giày

Ngày: 18/02/2017 lúc 14:29PM

Như vậy là một lần nữa tuyển Việt Nam lại bại trận trước đối thủ Thái Lan. Sau trận thua 0-3 của thầy trò HLV Miura, hàng trăm câu hỏi và hàng ngàn sự so sánh lại được đặt ra về những điểm ta thua kém họ. Chưa cần bàn đến những vấn đề vĩ mô như nền bóng đá hay giải VĐQG, Việt Nam vốn thua kém Thái Lan từ những thứ rất nhỏ như một đôi giày.

Đi giày cũng cần chuyên nghiệp

Trong lịch sử hình thành và phát triển, các hãng thể thao chuyên sản xuất giày bóng đá xây dựng nên rất nhiều dòng sản phẩm với chức năng và đặc điểm khác nhau để đáp ứng được đa dạng đối tượng khách hàng. Mặc dù mỗi đơn vị lại có những thiết kế riêng và những sản phẩm khác nhau, tuy nhiên họ lại cùng khai thác và có cách chia phân khúc sản phẩm tương đối giống nhau. Hãy cùng điểm qua các phân khúc sản phẩm này:

Dòng Speed: Các dòng chuyên về hỗ trợ cho tốc độ và khả năng đổi hướng tốc độ cao, được làm bằng các chất liệu da tổng hợp khác nhau, đặc điểm chung là nhẹ về trọng lượng và thiết kế đinh hỗ trợ cho việc bứt tốc và đảo hướng. Chủ yếu dành cho những vị trí cần đến tốc độ như tiền vệ cánh, tiền đạo, đôi khi cả tiền vệ công và hậu vệ biên.

Ronaldo và mẫu CR7 nổi tiếng/ Ảnh: Getty Images

VD: Nike Mercurial – F50 Adizero – Puma EvoSpeed. Cầu thủ điển hình: Ronaldo béo và Cristiano Ronaldo (Mercurial), Lionel Messi (F50 – Adidas Messi), Kun Aguero (Puma EvoSpeed)

Dòng Power – Accuracy: Dòng giày trợ lực cho chân, thường thiết kế với những vùng nổi bằng nhựa mềm trên giày để hỗ trợ những cú sút – phá bóng – tắc bóng của cầu thủ. Chủ yếu thiết kế cho các tiền đạo cắm – trung vệ hoặc tiền vệ trung tâm, đôi khi thủ môn.

Fabregas là gương mặt đại diện của Puma với dòng Evopower/ Ảnh FFT

VD: Nike T90 Laser – Adidas Predator – Puma EvoPower – Mizuno Ignitus. Cầu thủ điển hình: Wayne Rooney (T90 Laser – trước kia), Ivan Rakitic (Predator), Yaya Toure (EvoPower)

Dòng Control: Dòng giày hỗ trợ cho khả năng kiểm soát bóng, thiết kế bằng da tự nhiên có những vùng nổi nhẹ bằng cao su. Chủ yếu cho những nhà tổ chức lối chơi, đôi khi có cả các trung vệ.

Iniesta trong buổi ra mắt dòng Magista/ Ảnh: Nike

VD: Nike Magista – Nike CTR360 – Adidas Ace. Cầu thủ điển hình: Andres Iniesta (Magista), Van der Vaart (CTR360 trước kia), James Rodriguez (Ace)

Hiện nay, các dòng giày mới được các hãng đưa ra giờ đã “lai” nhiều hơn, cùng lúc có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ hỗ trợ. Ví dụ tiêu biểu như Magista Obra của Nike vừa có thể hỗ trợ kiểm soát bóng, lại đc thiết kế siêu nhẹ cùng mặt đế giúp chống trơn trượt khi đổi hướng, hay Ace của Adidas được “lai” từ những yếu tố làm nên tên tuổi của Predator – 11pro.

Tuy nhiên, về cơ bản, với các cầu thủ chuyên nghiệp chúng ta vẫn có thể chia giày về các vị trí như vậy, và những trường hợp cá biệt thường chiếm số lượng rất ít. Hai ví dụ tiêu biểu và nổi tiếng nhất của bóng đá thế giới trong việc đi giày “lệch tông” là Carlos Tevez và Francesco Totti, những tiền đạo chuộng dòng Tiempo của Nike, vốn là mẫu giày các trung vệ hoặc tiền vệ phòng ngự thường dùng.

Nói như vậy để thấy rằng việc hiểu và sử dụng giày sao cho đúng đã trở thành một thói quen chuyên nghiệp của các cầu thủ trên thế giới. Họ thậm chí còn được giáo dục về vấn đề này ngay từ khi còn là cầu thủ trẻ, điển hình là việc học viện bóng đá của Nike còn có những chuyên gia theo dõi và tư vấn riêng về giày cho các tài năng trẻ.

Tất nhiên, việc mang giày nào và chơi bóng ra sao cũng chỉ mang tính chất tương đối. Một cầu thủ làng nhàng có diện đôi Superfly CR7 cũng không thể đá hay như Ronaldo hoặc Messi có đi giày… Thượng Đình cũng vẫn ghi bàn như một cái máy. Tuy nhiên hãy coi chừng khi bạn phải đi một đôi giày không vừa ý và gây khó chịu cho đôi chân của mình. Ví dụ “đau thương” cho trường hợp này có lẽ là Frank Ribery khi tiền vệ người Pháp bắt buộc phải mang mẫu giày tài trợ Mecurial của Nike trong trạng thái “bó chân”.


Ribery từng khổ sở vì đi giày không hợp/ Ảnh: Soccerbible

Đôi giày của cầu thủ Việt: Chỉ cần… nhẹ và đẹp

Sau khi đã tìm hiểu những điều cơ bản xoay quanh chuyện chọn giày của cầu thủ thế giới, có thể không ít người sẽ cảm thấy “hụt hẫng” khi xem cách cầu thủ Việt Nam mang giày bởi cả hai chẳng có liên quan gì với nhau. Trước tiên, hãy so sánh đội hình xuất phát giày của chúng ta và đối thủ Thái Lan ở trận đấu vừa qua để thấy sự khác biệt:

Ảnh: 4231

Với việc hầu hết các tuyển thủ Thái Lan đều có hợp đồng tài trợ giày cá nhân với các ông lớn như Nike hay Adidas, họ đều sở hữu những đôi giày nằm trong bộ sưu tập mới nhất của các hãng mà bằng chứng là Nike Electroflare. Bên cạnh đó, hầu hết họ cũng có ý thức đi giày đúng với vị trí của mình như tiền vệ Yooyen sử dụng Nike Magista hay “Messi Thái” Chanathip đi đôi Adidas Messi.

Ảnh: 4231

Trở lại với đội tuyển Việt Nam, có thể tạm gọi chúng ta là “team Adidas” khi 8/11 tuyển thủ đều sử dụng những mẫu giày của hãng thể thao Đức. Tuy nhiên, như đã đề cập thì tiêu chí chọn giày của cầu thủ Việt Nam đơn giản chỉ xoay quanh 2 yếu tố nhẹ và đẹp.

Những dòng giày Speed như Adizero hay F50 được sử dụng một cách tràn lan đến nỗi những cầu thủ phòng ngự như Tiến Dũng, Thanh Hiền, Tiến Thành, Huy Hùng, Duy Mạnh đều dùng chúng. Những đôi giày vốn được các cầu thủ tấn công trên thế giới như Diego Costa, Ashley Young… sử dụng giờ tràn ngập khắp hàng thủ Việt Nam.


Ảnh: Thể Thao & Văn Hóa

Bên cạnh đó, hầu hết những mẫu giày mà các tuyển thủ đi đều nằm trong các bộ sưu tập cũ, thậm chí được ra mắt từ gần 2 năm trước. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các cầu thủ đang chơi bóng tại V-League khi họ chọn giày tương đối tùy hứng. Những hình ảnh như việc trung vệ Thanh Hào của Hà Nội T&T đi Adidas Messi hay Quế Ngọc Hải mang Nike Mecurial Superfly vốn đã không còn quá xa lạ. Đương nhiên ở chiều ngược lại, những đôi giày bị cho là nặng, xấu xí và ít người nổi tiếng dùng như mẫu Nitrocharge của Adidas trước đây bị cầu thủ Việt “ghét cay ghét đắng”.

Kết luận

Khi mà sự chênh lệch về mặt đẳng cấp giữa hai nền bóng đá còn khá lớn, chúng ta khó có thể nói đến việc vượt qua người Thái trong một sớm một chiều. Một phóng viên từng “lăn lộn” với bóng đá Việt Nam gần 10 năm thậm chí còn chia sẻ rằng có lẽ nếu một ngày chúng ta giành HCV Sea Games, niềm ao ước bấy lây nay, có lẽ anh cũng chẳng thấy vui, bởi đơn giản đó là hiện tượng chứ không phải bản chất nền bóng đá.

Khi mà bóng đá Việt Nam hãy còn quá nhiều điểm cần khắc phục để sao cho xứng với tấm áo chuyên nghiệp, thì một chức vô địch AFF Cup hay việc cầm hòa Iraq chỉ là những hiện tượng nhất thời. Sự chuyên nghiệp thực sự phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, như những đôi giày chẳng hạn.

 

Bài viết có tham khảo sự tư vấn của Hunter Boots

Theo : 4231.vn

Admin
BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

Xem nhanh